I. Dân số
1. Khái niệm chung
Dân số chỉ tất cả những người sống trong phạm vi một địa giới nhất định (nước, vùng kinh tế, đơn vị hành chính…) có đến một thời điểm hay trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong thống kê, dân số được thu thập theo khái niệm “Nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ”, là những người thực tế thường xuyên ăn ở tại hộ tính đến thời điểm thống kê đã được 6 tháng trở lên, trẻ em mới sinh trước thời điểm thống kê và những người mới chuyển đến sẽ ở ổn định tại hộ, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú tại xã/phường/thị trấn đang ở và những người tạm vắng. Nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ gồm:
- Người thực tế thường xuyên ăn ở tại hộ tính đến thời điểm thống kê đã được 6 tháng trở lên.
- Người mới chuyển đến chưa được 6 tháng nhưng xác định sẽ ăn ở ổn định tại hộ và những trẻ em mới sinh trước thời điểm thống kê; không phân biệt họ đã có hay không có giấy tờ pháp lý chứng nhận sự di chuyển đó.
Người tạm vắng bao gồm người rời hộ đi làm ăn ở nơi khác chưa được 6 tháng tính đến thời điểm thống kê; người đang làm việc hoặc học tập trong nước trong thời hạn 6 tháng; người đang đi thăm, đi chơi nhà người thân, đi nghỉ hè, nghỉ lễ, đi du lịch, sẽ quay trở lại hộ; người đi công tác, đi đánh bắt hải sản, đi tàu viễn dương, đi buôn chuyến; người được cơ quan có thẩm quyền cho phép đi làm việc, công tác, học tập, chữa bệnh, du lịch ở nước ngoài, tính đến thời điểm thống kê họ vẫn còn ở nước ngoài trong thời hạn được cấp phép; người đang chữa bệnh nội trú tại các cơ sở y tế; người đang bị ngành quân đội, công an tạm giữ.
Dưới đây xin giới thiệu khái niệm, nội dung và phương pháp tính “Dân số trung bình” là một chỉ tiêu thông dụng và quan trọng trong các chỉ tiêu thống kê dân số:
Dân số trung bình là số lượng dân số tính bình quân cho cả một thời kỳ, được tính theo một số phương pháp thông dụng như sau:
- Nếu chỉ có số liệu tại hai thời điểm (đầu và cuối của thời kỳ ngắn, thường là một năm)
thì sử dụng công thức sau:
Ptb = (P0 + P1)/2
Trong đó:
Ptb: Dân số trung bình;
P0: Dân số đầu kỳ;
P1: Dân số cuối kỳ.
- Nếu có số liệu tại nhiều thời điểm cách đều nhau thì sử dụng công thức:
Ptb = (P0/2 + P1 + … + Pn-1 + Pn/2)/n
Trong đó:
Ptb: Dân số trung bình;
P0,1,…,n: Dân số ở các thời điểm 0, 1,…, n;
n: Số thời điểm cách đều nhau.
- Nếu có số liệu tại nhiều thời điểm không cách đều nhau, sử dụng công thức:
Ptb = (Ptb1t1 + Ptb2t2 + … + Ptbntn)/∑ti
Trong đó:
Ptb1: Dân số trung bình của khoảng thời gian thứ nhất;
Ptb2: Dân số trung bình của khoảng thời gian thứ 2;
Ptbn: Dân số trung bình của khoảng thời gian thứ n;
ti: Độ dài của khoảng thời gian thứ i.
2. Phân tổ chủ yếu: Giới tính.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Tổng điều tra dân số và nhà ở;
- Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;
- Số lượng dân số hàng năm được tính dựa trên cơ sở số liệu dân số gốc thu thập qua tổng điều tra dân số gần nhất và các biến động dân số (sinh, chết, xuất cư và nhập cư) theo phương trình cân bằng dân số. Các biến động dân số được tính từ các tỷ suất nhân khẩu học (các tỷ suất sinh, chết, xuất cư và nhập cư) thu được qua các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hoặc tổng điều tra dân số và nhà ở.
II. Mật độ dân số
1. Khái niệm, phương pháp tính
Mật độ dân số là số dân tính bình quân trên một kilômét vuông diện tích lãnh thổ.
Mật độ dân số được tính bằng cách chia dân số (thời điểm hoặc bình quân) của một vùng dân cư nhất định cho diện tích lãnh thổ của vùng đó. Mật độ dân số có thể tính cho toàn quốc hoặc riêng từng vùng (nông thôn, thành thị, vùng kinh tế); từng tỉnh, từng huyện, từng xã, v.v… nhằm phản ánh tình hình phân bố dân số theo địa lý vào một thời gian nhất định.
Công thức tính:
Mật độ dân số (người/km2) = Số lượng dân số (người)/Diện tích lãnh thổ (km2)
2. Kỳ công bố: Năm.
3. Nguồn số liệu
- Tổng điều tra dân số và nhà ở;
- Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;
- Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất