1. Khái niệm, phương pháp tính
Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản nội địa là diện tích mặt nước tự nhiên, nhân tạo trong đất liền (bao gồm diện tích nước ngọt và diện tích nước lợ) diễn ra hoạt động nuôi trồng (thả giống, chăm sóc, bảo vệ) và cho thu hoạch sản phẩm trong kỳ quan sát, gồm diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trong ao, vuông, đăng quầng, vèo, ruộng lúa, mương vườn, đầm, sông, hồ, bãi triều ven biển,… Đối với sông, hồ, bãi triều ven biển, chỉ tính phần diện tích mặt nước được quây lại để nuôi theo hình thức đăng quầng, vèo, giai, mùng, lưới,…
– Được tính cả ao lắng, ao lọc, kênh dẫn nước vào ra.
– Không tính diện tích mặt nước của hồ, đập thủy điện, thủy lợi hoặc hồ lớn được thả giống với mục đích tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái vào diện tích thu hoạch thủy sản.
Lưu ý:
– Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản chỉ tính 1 lần, không cộng dồn theo vụ;
– Không tính phần mặt nước ươm nuôi giống, cá sấu, cá cảnh, phần mặt nước nuôi bể bồn;
– Phần mặt nước nuôi trồng thủy sản có xuống giống nhưng bị mất trắng vẫn tính vào diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
– Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản không gồm diện tích của các công trình phụ trợ phục vụ nuôi trồng thủy sản như: Khu vực làm biến thế điện, nhà làm việc, lán trại, nhà kho/nhà xưởng chứa/chế biến thức ăn.
Quy ước:
– Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản được tính cho loại nuôi chính. Loại nuôi chính được xác định theo mục đích ban đầu của người nuôi và thường là loại có giá trị hoặc sản lượng lớn nhất.
– Những nơi diện tích mặt nước không ổn định (tăng, giảm theo thời vụ hoặc thuỷ triều…) chỉ tính ở mức trung bình và tương đối ổn định phần diện tích có nuôi trồng thuỷ sản trong kỳ báo cáo.
– Đối với ruộng trũng nuôi tôm, cá… chỉ tính phần diện tích mặt nước có độ sâu từ 30 cm trở lên và có nuôi trồng thuỷ sản từ 03 tháng trở lên.
– Nếu trên cùng một diện tích có nuôi nhiều vụ mà loại thủy sản nuôi ở các vụ không giống nhau thì diện tích nuôi trồng trong kỳ được tính cho từng loại thủy sản.
2. Phân tổ chủ yếu: Hình thức nuôi chủ yếu (ao/vuông; đăng quầng/ vèo/mùng/lưới; ruộng lúa; khác).
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
– Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;
– Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ;
– Điều tra thuỷ sản;
– Dữ liệu hành chính.