1. Mục đích, ý nghĩa
Các chỉ tiêu phản ánh quy mô và cơ cấu về cơ sở vật chất của giáo dục phổ thông,
là cơ sở để đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng phát triển về số lượng trường, lớp và
phòng học phổ thông và làm căn cứ cho công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng
trường, lớp trong tương lai để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Giáo dục phổ thông là hình thức giáo dục chính quy, được thực hiện theo chương
trình giáo dục phổ thông quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo dục phổ thông gồm 2 bậc tiểu học và trung học. Bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp
5; bậc trung học gồm: bậc trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9 và bậc trung học phổ thông
từ lớp 10 đến lớp 12.
a) Trường phổ thông là một cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm đủ các điều kiện:
cán bộ quản lý, giáo viên dạy các môn học, nhân viên hành chính, bảo vệ, y tế…; có cơ sở
vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; có đủ những điều kiện về tài chính
theo quy định của Bộ Tài chính. Trường phổ thông nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia
được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước; thực hiện chương trình giáo dục
phổ thông và kế hoạch giảng dạy do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhằm phát triển sự
nghiệp giáo dục.
Trường phổ thông gồm có trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung
học phổ thông.
– Trường tiểu học là một cơ sở giáo dục của cấp tiểu học, là cấp học nền tảng của
hệ thống giáo dục quốc dân. Trường tiểu học có từ lớp 1 đến lớp 5 và có tư cách pháp
nhân và con dấu riêng.
– Trường trung học cơ sở là một cơ sở giáo dục của cấp trung học, nối tiếp cấp học
tiểu học của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường trung học cơ sở có từ lớp 6 đến lớp 9 và
có tư cách pháp nhân và con dấu riêng.
– Trường trung học phổ thông là một cơ sở giáo dục của cấp trung học nhằm hoàn
chỉnh học vấn phổ thông. Trường trung học cơ sở có từ lớp 10 đến lớp 12.
Ngoài ra, trường phổ thông có thể còn có các loại trường sau:
+ Trường phổ thông cơ sở là trường ghép giữa tiểu học và trung học cơ sở, có từ
lớp 1 đến lớp 9.
+ Trường trung học là trường ghép giữa trung học cơ sở và trung học phổ thông,
có thể có từ lớp 6 đến lớp 12.
+ Trường trung học cấp I, II, III là trường ghép giữa tiểu học và trung học, có từ
lớp 1 đến lớp 12. Trên thực tế khi thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn ghi loại
này vào trường trung học phổ thông.
Loại hình trường gồm có trường công lập, trường dân lập và trường tư thục.
– Trường công lập là trường do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng, bảo đảm
kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
– Trường dân lập là trường do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây
dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động.
– Trường tư thục là trường do các cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất và bảo đảm kinh phí hoạt động,
b) Lớp học phổ thông là một tổ chức của trường học phổ thông gồm các học sinh
học cùng học một chương trình giáo dục hoặc nhiều chương trình giáo dục, do một giáo
viên giảng dạy hoặc do nhiều giáo viên giảng dạy nhưng có sự quản lý trực tiếp của một
giáo viên chủ nhiệm.
Lớp học phổ thông bao gồm các lớp của bậc tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), các lớp
của bậc trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9), và các lớp của bậc trung học phổ thông từ
(lớp 10 đến lớp 12).
Số lượng học sinh quy định của một lớp học chuẩn như sau:
– Bậc tiểu học: 35 học sinh trở xuống;
– Bậc trung học: 45 học sinh trở xuống.
c) Phòng học là một địa điểm cụ thể, cấu trúc thành phòng học của trường học, nơi
học sinh thường xuyên đến ngồi theo từng lớp để nghe giáo viên giảng bài, không phân
biệt số ca, số lớp hay số trường sử dụng.
Phòng học đạt tiêu chuẩn được quy định phải bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát về
mùa hè, ấm áp về mùa đông; bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh, đúng quy cách
theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vệ sinh trường học. Trong phòng học phải
có các thiết bị sau:
– Bàn ghế học sinh theo kích cỡ phù hợp với lứa tuổi của từng lớp, bảo đảm một
học sinh có một chỗ ngồi;
– Một bàn, một ghế tựa cho giáo viên;
– Bảng viết;
– Bục giảng và bục kê bàn ghế cho giáo viên;
– Có hệ thống đèn và hệ thống quạt (đối với trường có điện lưới);
– Có hệ thống tủ tường (đối với trường có đủ điều kiện).
Các thiết bị phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu lắp đặt theo quy định về
vệ sinh trường học.
Phòng học kiên cố là phòng học của các nhà cao tầng hoặc 1 tầng mái bằng, thời
gian sử dụng từ 50 năm trở lên.
Phòng học bán kiên cố là phòng học của các nhà có chất lượng xây dựng và thời
gian sử dụng thấp hơn so với nhà kiên cố (trên 20 năm).
Phòng học tạm là phòng học của nhà đơn sơ; làm bằng tranh tre, nứa lá hoặc tương
tự.
3. Phân tổ chủ yếu
– Loại hình;
– Loại trường;
– Cấp học;
– Xã/phường/thị trấn;
– Riêng phòng học phân tổ thêm kiên cố/bán kiên cố/nhà tạm.
4. Nguồn số liệu
Báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo.