GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH
MỘT SỐ CHỈ TIÊU THỐNG KÊ Y TẾ VÀ MỨC SỐNG DÂN CƯ,
THỂ THAO, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI, TƯ PHÁP
VÀ MÔI TRƯỜNG

Y TẾ

Cơ sở y tế là nơi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, bao gồm: Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, trung tâm y tế huyện có chức năng khám chữa bệnh, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã/phường/thị trấn (gọi chung là y tế cơ sở), trạm y tế cơ sở kinh tế hành chính, sự nghiệp và các cơ sở y tế khác (trạm lao, trạm da liễu, trạm mắt, khu điều trị phong, nhà hộ sinh…).

Giường bệnh là giường chuyên dùng cho người bệnh ở các cơ sở y tế, không bao gồm giường trực, giường phòng khám, giường phòng đợi thuộc các cơ sở y tế.

Nhân lực y tế bao gồm nhân lực ngành y và nhân lực ngành dược, là toàn bộ những người hiện đang làm việc tại các cơ sở y tế (kể cả y tế công và y tế tư nhân) đã đạt được trình độ đào tạo chuyên môn về y tế trong thời gian ít nhất là ba tháng, bao gồm bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, hộ lý, dược sĩ, dược tá và kỹ thuật viên.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng phân theo mức độ suy dinh dưỡng

  • Trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi: trẻ em dưới 5 tuổi có cân nặng theo tuổi thấp dưới trừ hai độ lệch chuẩn (-2SD) của cân nặng trung vị của quần thể tham khảo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi (%) = Số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi × 100
Số trẻ em dưới 5 tuổi được cân
  • Trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi: trẻ em dưới 5 tuổi có chiều cao theo tuổi thấp dưới trừ hai độ lệch chuẩn (-2SD) của chiều cao trung vị của quần thể tham khảo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi (%) = Số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng
chiều cao theo tuổi
× 100
Số trẻ em dưới 5 tuổi được đo chiều cao
  • Trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo chiều cao là trẻ em dưới 5 tuổi có cân nặng theo chiều cao thấp dưới trừ hai độ lệch chuẩn (-2SD) của cân nặng trung vị của quần thể tham khảo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo chiều cao (%) = Số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo chiều cao × 100
Số trẻ em dưới 5 tuổi được cân nặng và đo chiều cao

Quần thể tham khảo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một nhóm trẻ có sức khoẻ, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường. Cân nặng và chiều cao của những trẻ em này được dùng làm chuẩn để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của những trẻ em cùng độ tuổi.

Số người nhiễm và chết do HIV/AIDS: Người nhiễm HIV là người được cơ quan y tế phát hiện bị nhiễm virus gây suy giảm hệ miễn dịch (virus HIV). AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch ở giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV trong cơ thể con người. Người chết do AIDS là người chết do căn bệnh AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS thường đồng thời bị mắc bệnh và chết bởi nhiều bệnh nguy hiểm khác nhau vẫn được tính là chết do AIDS.

MỨC SỐNG DÂN CƯ

Chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người).

HDI nhận giá trị từ 0 đến 1. HDI càng gần 1 có nghĩa là trình độ phát triển con người càng cao, trái lại càng gần 0 nghĩa là trình độ phát triển con người càng thấp.

Chỉ số phát triển con người được tính theo công thức:

HDI = (Isức khỏe  ×  Igiáo dục   ×  Ithu nhập)1/3

Trong đó:

(1) Isức khỏe: Chỉ số tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh.

(2) Igiáo dục: Chỉ số giáo dục được tính bằng cách bình quân nhân giản đơn chỉ số năm đi học bình quân và chỉ số năm đi học kỳ vọng.

+ Số năm đi học bình quân được tính bằng tổng số năm đã đi học của dân số từ 25 tuổi trở lên chia cho tổng dân số từ 25 tuổi trở lên.

+ Số năm đi học kỳ vọng là tổng số năm đi học mà một đứa trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể nhận được trong suốt cuộc đời. Giả định rằng xác suất bắt đầu ghi danh đi học tại một độ tuổi bất kỳ của đứa trẻ đó bằng tỷ lệ nhập học của độ tuổi đó.

Công thức:

: Số năm đi học kỳ vọng của độ tuổi a đến độ tuổi t;

: Số người đang đi học đúng tuổi theo lớp quy định (trong đó i = a, a+1,…, n) tại trường học năm thứ t; n biểu thị giới hạn tuổi theo lý thuyết của trường học;

: Dân số trong độ tuổi đi học theo quy định năm thứ t. Tuổi của mức l biểu thị tổng dân số độ tuổi đi học của cấp l theo quy định;

Dl :  Thời gian lý thuyết của cấp l theo quy định.

(3) Ithu nhập: Chỉ số tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP – USD).

Các chỉ số thành phần trên được tính theo công thức chung như sau:

Giá trị chỉ số = Giá trị thực – Giá trị tối thiểu
Giá trị tối đa – Giá trị tối thiểu

Riêng Ithu nhập được tính theo công thức:

Ithu nhập  = ln (giá trị thực) – ln (giá trị tối thiểu)
ln (giá trị tối đa) – ln (giá trị tối thiểu)

Giá trị tối đa và tối thiểu của các chỉ số liên quan sử dụng tính HDI của Việt Nam được dựa trên Báo cáo phát triển con người (HDR) 2013 của UNDP:

Chỉ tiêu Đơn vị tính Giá trị
tối đa
Giá trị
tối thiểu
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh Năm 83,6 20,0
Số năm đi học bình quân Năm 13,3 0,0
Số năm đi học kỳ vọng Năm 18,0 0,0
Tổng thu nhập bình quân đầu người
theo sức mua tương đương (PPP)
USD 87478 100

Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng được tính bằng cách chia tổng thu nhập trong năm của hộ dân cư cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng. Thu nhập của hộ là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong một thời kỳ nhất định, thường là 1 năm.

Chi tiêu bình quân đầu người 1 tháng được tính bằng cách chia tổng chi tiêu trong năm của hộ dân cư cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng. Chi tiêu của hộ là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật (kể cả các khoản do hộ tự sản xuất) do hộ dân cư và các thành viên của hộ đã chi vào mục đích tiêu dùng trong một thời kỳ nhất định, thường là 1 năm.

Tỷ lệ nghèo là số phần trăm về số người hoặc số hộ có mức thu nhập (hoặc chi tiêu) bình quân đầu người thấp hơn chuẩn nghèo trong tổng số người hoặc số hộ được nghiên cứu.

Chuẩn nghèo là mức thu nhập (hoặc chi tiêu) bình quân đầu người được dùng làm tiêu chuẩn để xác định người nghèo hoặc hộ nghèo. Những người hoặc hộ có thu nhập (hoặc chi tiêu) bình quân đầu người thấp hơn chuẩn nghèo được coi là người nghèo hoặc hộ nghèo.

  • Chuẩn nghèo lương thực, thực phẩm được xác định bằng giá trị của rổ hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo khẩu phần ăn duy trì với nhiệt lượng tiêu dùng một người một ngày là 2100 Kcal.
  • Chuẩn nghèo chung được xác định bằng chuẩn nghèo lương thực, thực phẩm cộng với mức chi tối thiểu cho các mặt hàng phi lương thực, thực phẩm, gồm nhà ở, quần áo, đồ dùng gia đình, học tập, văn hoá giải trí, y tế, đi lại, thông tin liên lạc, v.v…

Hộ nghèo đa chiều: Hộ nghèo tiếp cận đa chiều là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo về thu nhập (gọi là chuẩn nghèo chính sách) trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo về thu nhập nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều được xác định dựa vào hai tiêu chí: Tiêu chí về thu nhập và Tiêu chí về các dịch vụ xã hội cơ bản, cụ thể như sau:

Tiêu chí thu nhập:

+ Chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập là mức thu nhập đảm bảo chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống, bao gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực, thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

+ Chuẩn nghèo về thu nhập (gọi là chuẩn nghèo chính sách) là mức thu nhập mà nếu hộ gia đình có thu nhập dưới mức đó sẽ được coi là hộ nghèo về thu nhập.

Tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản:

+ Các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: Y tế, Giáo dục, Nhà ở, Nước sạch và vệ sinh, Tiếp cận thông tin.

+ Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt gồm 10 chỉ số: (1) Trình độ giáo dục người lớn; (2) Tình trạng đi học của trẻ em; (3) Tiếp cận các dịch vụ y tế; (4) Bảo hiểm y tế; (5) Chất lượng nhà ở; (6) Diện tích nhà ở bình quân đầu người; (7) Nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; (8) Hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; (9) Sử dụng dịch vụ viễn thông; (10) Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI) là chỉ tiêu phản ánh tình trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của các tầng lớp dân cư. Hệ số GINI được tính dựa vào đường cong LORENZ. Đường cong LORENZ được tạo bởi
2 yếu tố: Tỷ lệ thu nhập của dân cư cộng dồn và tỷ lệ dân số tương ứng cộng dồn.

Hệ số GINI (G) được tính theo công thức:

Trong đó:

F­­­­i – Tỷ lệ dân số cộng dồn đến người thứ i;

Yi – Tỷ lệ thu nhập cộng dồn đến người thứ i.

Khi hệ số GINI bằng 0, xã hội có sự phân phối thu nhập bình đẳng tuyệt đối, mọi người dân có thu nhập như nhau và khi hệ số GINI bằng 1, xã hội có sự phân phối thu nhập bất bình đẳng tuyệt đối, một người dân hưởng toàn bộ thu nhập của cả xã hội. Như vậy, hệ số GINI nhận giá trị từ 0 đến 1. Hệ số GINI càng gần 1 thì sự bất bình đẳng về thu nhập trong dân cư càng lớn.

Thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương trong khu vực nhà nước là thu nhập từ tiền công, tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất như lương, gồm: tiền làm thêm, tiền thưởng, tiền phụ cấp,… của những người lao động làm việc trong khu vực nhà nước. Các khoản thu nhập này có thể bằng tiền mặt hoặc hiện vật.

Thu nhập bình quân là tổng số tiền thu nhập thực tế tính bình quân một lao động đang làm việc.

Công thức tính:

Thu nhập bình quân của lao động
làm công ăn lương khu vực nhà nước
=

Trong đó:

i: Thời gian tham chiếu (1 tháng)

Li: Số lao động làm công ăn lương khu vực nhà nước tại thời điểm điều tra.

Wi: Thu nhập của lao động làm công ăn lương khu vực nhà nước trong thời gian tham chiếu (1 tháng).

THỂ THAO

Số huy chương thể thao trong các kỳ thi đấu quốc tế bao gồm huy chương vàng, huy chương bạc và huy chương đồng của vận động viên đạt được trong các giải thi đấu thể thao quốc tế chính thức trong năm, không bao gồm thành tích của vận động viên đạt được trong các giải mời tham dự. Các giải thể thao quốc tế chính thức được tổ chức bao gồm: giải Thế giới (Thế vận hội Ô-lim-pic, vô địch, vô địch trẻ); giải Châu Á (Á vận hội ASIAD, vô địch, vô địch trẻ), giải Đông Nam Á (SEA Games, vô địch, vô địch trẻ).

TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

Tai nạn giao thông là sự kiện bất ngờ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, xảy ra khi các đối tượng tham gia giao thông đang hoạt động trên đường giao thông công cộng, đường chuyên dùng hoặc ở các địa bàn giao thông công cộng (gọi là mạng lưới giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy), nhưng do chủ quan, vi phạm các quy tắc an toàn giao thông hoặc do gặp phải các tình huống; sự cố đột xuất không kịp phòng tránh; đã gây ra những thiệt hại nhất định cho tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản.

Số người bị tai nạn giao thông bao gồm những người bị thương và chết do tai nạn giao thông gây ra.

Cháy nổ và mức độ thiệt hại: Cháy, nổ là trường hợp cháy, nổ xảy ra ngoài ý muốn và sự kiểm soát của con người gây thiệt hại về người và tài sản. Một lần xảy ra cháy, nổ thì được gọi là một vụ cháy, nổ. Thiệt hại do cháy, nổ gồm thiệt hại về người (chết và bị thương) và thiệt hại về tài sản (thiêu hủy hoặc hư hỏng) được tính theo giá trị thực tế của các tài sản,… ở thời điểm xảy ra cháy, nổ bao gồm thiệt hại về tài sản, vật tư, hàng hóa, thiết bị máy móc, động vật…bị ngọn lửa thiêu hủy hay làm hư hỏng không thể sử dụng được như chất lượng và chức năng ban đầu của nó.

HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Số vụ án đã khởi tố là số vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Số bị can đã khởi tố là số người hoặc pháp nhân bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can.

Số vụ án đã truy tố là số vụ án mà Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố vụ án ra trước Tòa án bằng bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố.

Số bị can đã truy tố là số bị can mà Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố bị can đó ra trước Tòa án bằng bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố.

Số vụ, số người phạm tội đã bị kết án là số vụ án và số bị cáo mà Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã đưa ra xét xử và tuyên là có tội.

Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Số lượt người được trợ giúp pháp lý là chỉ tiêu phản ánh mức độ phát triển của ngành tư pháp với mục tiêu phục vụ nhân dân. Số lượt người được trợ giúp pháp lý là số lần người được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.

Người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí là người thuộc một trong các đối tượng: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người thuộc một trong những trường hợp gặp khó khăn về tài chính như cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Chỉ tiêu trên thống kê số lượt người đã được trợ giúp pháp lý (tương ứng với số vụ việc trợ giúp pháp lý đã hoàn thành trong kỳ báo cáo). Trong một kỳ báo cáo, một người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong 1 vụ việc thì tính là 1 lượt người, trong 2 vụ việc thì tính là 2 lượt người. Nếu một người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí 2 lần trong 1 vụ việc thì tính là 1 lượt người được trợ giúp pháp lý.

THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

Thiên tai là thảm họa do thiên nhiên gây ra, bao gồm: Bão, nước biển dâng; gió mạnh trên biển; áp thấp nhiệt đới; mưa lớn, lũ, ngập lụt; lốc, sét, mưa đá; sương muối, sương mù, rét hại; xâm nhập mặn; hạn hán, nắng nóng; động đất; sóng thần; sụt lún đất; thiên tai khác.

Thiệt hại do thiên tai gây ra là sự phá huỷ hoặc làm hư hỏng ở các mức độ khác nhau về người, vật chất, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, xảy ra trong hoặc ngay sau khi thiên tai xảy ra. Thiệt hại về người bao gồm số người chết, số người bị mất tích, số người bị thương. Thiệt hại về vật chất được ước tính bằng tiền đồng Việt Nam tại mức giá thời điểm xảy ra thiên tai.