1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp
– Lúa mùa: Tính đến trung tuần tháng Mười Một, cả nước thu hoạch được 1.385,8 nghìn ha lúa mùa, chiếm 89,7% diện tích gieo cấy và bằng 103,5% cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 53,3 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ mùa năm trước; sản lượng ước đạt 8,23 triệu tấn, tương đương vụ mùa năm trước.
– Lúa thu đông: Tính đến 15/11/2023, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 317,3 nghìn ha lúa thu đông, chiếm 44,8% diện tích gieo cấy và bằng 107,7% cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 56,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước; sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, tăng 392 nghìn tấn.
– Lúa đông xuân: Tính đến ngày 15/11/2023, các địa phương phía Nam đã gieo cấy được 244,8 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 83,5% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
– Cây hàng năm: Vụ đông năm nay tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt, tập trung vào sản xuất các loại cây có thị trường đầu ra ổn định như rau, đậu, đỗ.
– Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng không biến động lớn; chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thị lợn hơi thấp trong khi chi phí đầu vào cao, dịch tả lợn châu Phi quay trở lại ở một số địa phương. Tổng số lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2023 tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 0,6%; tổng số trâu giảm 1%; tổng số gia cầm tăng 3%.
Tính đến ngày 22/11/2023, cả nước có 01 ổ dịch lợn tai xanh tại tỉnh Quảng Bình; dịch lở mồm long móng còn ở Lạng Sơn; dịch cúm gia cầm còn ở Quảng Nam; dịch viêm da nổi cục còn ở Cao Bằng, Đắk Lắk và dịch tả lợn châu Phi còn ở 27 địa phương chưa qua 21 ngày.
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2023 ước đạt 33,3 nghìn ha, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 261,9 nghìn ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 92 triệu cây, tăng 4,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,2 triệu m3, tăng 2,9%; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.690,7 ha, tăng 61,4%, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 1.021,1 ha, tăng 1,1%; diện tích rừng bị cháy là 669,6 ha, gấp 17,7 lần.
c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Mười Một ước đạt 836,3 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 550,6 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 285,7 nghìn tấn, giảm 0,4%. Tính chung 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 8.473,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 6.024,8 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 1.231,6 nghìn tấn, tăng 5,2%; thủy sản khác đạt 1.217,1 nghìn tấn, tăng 1,8%.
2. Sản xuất công nghiệp
– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Mười Một ước tính tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, IIP ước tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.
– Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước.
– Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,2% so với cùng thời điểm năm trước.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[1]
– Trong tháng Mười Một, cả nước có 14.267 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,6% so với tháng trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; có 6.562 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,6% và tăng 4,7%; 4.510 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18% và tăng 12,6%; 6.598 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,7% và tăng 29,5%; 1.443 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,9% và tăng 1,5%.
– Tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 201,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 158,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
4. Đầu tư
– Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười Một ước đạt 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 74,9% và tăng 20,9%).
– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
– Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2023 có 117 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 257,3 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước; có 24 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 137,7 triệu USD, gấp 1,8 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 395 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 11/2023 ước đạt 126,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm và giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 11/2023 ước đạt 158,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng năm 2023 đạt 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,0% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[2]
Trong tháng Mười Một, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa[3] ước đạt 60,88 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
– Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 284,87 tỷ USD, chiếm 88,3%.
– Nhập khẩu hàng hóa
+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 278,18 tỷ USD, chiếm 93,8%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD.
– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Mười Một ước tính xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 45,82 tỷ USD.
c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Mười Một tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
– Chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 2,77% so với tháng trước; tăng 8,8% so với tháng 12/2022; tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,38%.
– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2023 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 1,61% so với tháng 12/2022; giảm 1,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,94%.
d) Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách tháng 11/2023 ước đạt 403,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,4% so với tháng trước và luân chuyển đạt 20,4 tỷ lượt khách.km, tăng 2,3%. Tính chung 11 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 4.203,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 222,5 tỷ lượt khách.km, tăng 23,9%.
Vận tải hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 189,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3% so với tháng trước và luân chuyển đạt 43,1 tỷ tấn.km, tăng 3,9%. Tính chung 11 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 2.062,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 442,4 tỷ tấn.km, tăng 10,5%.
đ) Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2023 đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 10,9% so với tháng trước và gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
7. Một số tình hình xã hội
– Theo kết quả khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng Mười Một khá ổn định. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,2% (tăng nhẹ 0,5 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 10 năm 2023); tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,8%. Trong 11 tháng năm nay, Chính phủ cấp xuất tổng số gần 21,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1.437,8 nghìn nhân khẩu, trong đó: Hỗ trợ người dân dịp Tết 2023 là 16.919,9 tấn cho 1.128 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ người dân kỳ giáp hạt năm 2023 là 4.647,5 tấn cho hơn 309,8 nghìn nhân khẩu.
– Phong trào thể dục, thể thao được tổ chức rộng khắp, đa dạng, phong phú với nhiều sự kiện nổi bật diễn ra trong tháng.
– Trong tháng (từ 15/10-14/11/2023), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.950 vụ tai nạn giao thông. Tính chung 11 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.779 vụ tai nạn giao thông; bình quân 1 ngày, trên địa bàn cả nước xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, gồm 25 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10 vụ va chạm giao thông, làm 19 người chết, 14 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.
– Thiệt hại do thiên tai trong tháng Mười Một chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất. Tính chung 11 tháng năm nay, thiên tai làm 156 người chết và mất tích, 141 người bị thương; gần 30,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 94,8 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; gần 107,9 nghìn ha lúa và 43,7 nghìn hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 4.408,4 tỷ đồng, giảm 68,7% so với cùng kỳ năm 2022.
– Trong tháng 11/2023 (tính từ ngày 17/10 đến ngày 16/11/2023), các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.117 vụ vi phạm môi trường. Tính chung 11 tháng năm nay đã phát hiện 16.014 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 14.279 vụ với tổng số tiền phạt là 264,8 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong tháng, cả nước xảy ra 146 vụ cháy, nổ, làm 6 người chết và 7 người bị thương, thiệt hại ước tính 28,5 tỷ đồng, tăng 48,2% so với tháng trước và gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.785 vụ cháy, nổ, làm 145 người chết và 126 người bị thương, thiệt hại ước tính 258,3 tỷ đồng, giảm 55,6% so với cùng kỳ năm trước./.
[1] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/11/2023.
[2] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu). Khi tính cán cân thương mại của nền kinh tế thì kim ngạch xuất, nhập khẩu được tính theo giá F.O.B.
[3] Ước tính tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 11/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 28/11/2023. Tổng cục Thống kê ước tính trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 11/2023 dựa trên số liệu sơ bộ về trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu đến hết ngày 27/11/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp.
Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024; Kế hoạch số 182-KH/ĐUK ngày 29/7/2024 và Kế hoạch số 273-KH/ĐUBKHĐT ngày 16/9/2024, BCH Đảng bộ TCTK ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030. (08/11/2024)
Saigon Co.op xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ
Ngày 23/10, Công ty TNHH MTV phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina tiến hành bàn giao hàng hoá sản xuất tại Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. (24/10/2024)
Thái Nguyên hướng đến chuyển đổi xanh
Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, chủ động nắm bắt cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu tăng trưởng xanh. (23/10/2024)
De Heus góp phần vào phát triển chăn nuôi bền vững để hướng tới Net Zero
Phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp không chỉ ở việc cải thiện các yếu tố môi trường, mà còn là việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi để tối ưu hóa tài nguyên, cũng như xây dựng năng lực và lợi nhuận bền vững cho toàn bộ chuỗi giá trị. Hiểu được nhu cầu của mỗi phân khúc chăn nuôi, Tập đoàn De Heus luôn linh hoạt xây dựng các giải pháp để mỗi khách hàng đều có thể phát triển trang trại của mình trên toàn cầu một cách bền vững. (22/10/2024)
PV GAS tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp
Tại Hội nghị kinh doanh và phát triển thị trường khí được tổ chức tuần qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong khẳng định nhanh chóng tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp phù hợp với Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm khí mới ban hành, với mục tiêu cao nhất là đưa PV GAS tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững. (21/10/2024)
Diễn đàn Đa phương MSF 2024: Lần đầu tiên vinh danh sáng kiến công nghệ số vì nhóm yếu thế
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Samsung Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Diễn đàn Đa phương (MSF) 2024. (19/10/2024)